Nhân tướng học trên Tứ Đậu - Lục Phủ - Ngũ Quan


Trong lãnh vực diện tướng học, đã địa lý hóa 4 bộ phận: Tai, Miệng, Mắt, Mũi thành ra Giang, Hà, Hoài, Tế.




III. TỨ ĐẬU
1. Vị trí của Tứ Đậu

Đậu là một từ ngữ Trung Hoa chỉ mương nước, chỉ có nước chảy. Tứ Đậu là 4 dòng nước chảy bao gồm: Giang, Hà, Hoài, Tế. Cả 4 chữ trong ngôn ngữ Trung Hoa in đều có nghĩa chung là dòng sông. 

Cũng vẫn cái lối mượn thiên nhiên để ví vào con người cho dể hiểu nên người Tàu, trong lãnh vực diện tướng học, đã địa lý hóa 4 bộ phận: Tai, Miệng, Mắt, Mũi thành ra Giang, Hà, Hoài, Tế.
- Mũi có tên riêng là Tế Đậu
- Mắt có tên riêng là Hoài Đậu
- Miệng có tên riêng là Hà Đậu
- Tai có tên riêng là Giang Đậu



Tại sao 4 bộ phận trên được ví như 4 dòng nước?

Sách xưa đã giải thích lối hình dung này như sau:
Nước lúc nào cũng chảy về biển. Bộ óc được ví như biển. Bộ óc là nơi tập trung các tiếp thu của Tai, Mắt, Mũi, Miệng như biển gôm nước của 4 dòng sông, cho nên bộ óc được gọi là não hải, còn Mắt, Mũi, Tai, Miệng được gọi là Tứ đậu

2. Điều kiện tối hảo của Tứ Đậu

Nước muốn lưu thông dễ dàng thì lông sông phải sâu, mặt sông phải rộng. Do đó, tướng học đòi hỏi Tứ Đậu phải có những điều kiện sau:
- Hà Đậu (Miệng) phải vuông vức, Lăng Giác rõ ràng, lớn, rộng. Nếu như Miệng quá hẹp, Môi quá mỏng, ví như dòng sông nông cạn, nước khó thông và chảy không tới biển cho nên vãn niên phúc thọ hư ảo
- Giang Đậu (Tai) cần rộng và sâu, nghĩa là lổ Tai phải sâu và rộng, hình thể chắc chắn, đầy đặn, chủ về thông minh, gia nghiệp ổn định.
- Hoài Đậu (Mắt) cần phải sâu dài, ánh Mắt trong sáng, hình thể thon dài, lòng đen, lòng trắng, phân minh, đồng tử linh động, chủ về thông minh, quí hiếm.
- Tế Đậu (Mũi) thông suốt, tức là lổ Mũi phải kín đáo, đầu Mũi phải đầy, sống Mũi phải thẳng, không cong, không lồi lõm, hai cánh Mũi phải đầy, nở và cân xứng thì cuộc đời sung túc, không lo đói rách.

Ở đây có một điểm rất trọng yếu cần phải lưu ý, đó là Nhân Trung (phần lõm sau chạy dài phía dưới chõm Mũi tới chính giữa Môi trên), vì Nhân Trung được coi là mạch chính của Tứ đậu. 

Nếu Tứ đậu đều minh hiền (tốt và rõ ràng) mà Nhân Trung hẹp, mờ, khuất, bị vạch ngang làm cho mất hẳn mỹ quan hoặc trên rộng dưới hẹp, trên sâu dưới nông, đều có tác dụng làm nghẽn tắc Tứ đậu khiến dòng nước không lưu thông dẽ dàng. 

Cái đẹp của Tứ đậu vì thế bị giảm thiếu. Cho nên người ta đòi hỏi Nhân Trung phải sâu, trên vừa phải, dưới rộng và rõ ràng, dài là vì cớ đó.

IV. LỤC PHỦ

Lục phủ (6 phủ) là danh hiệu dùng để chỉ 3 cặp xương ở hai bên mặt (h.2).

Hai khu vực xương nổi cao ở hai bên phía trên ở dưới đuôi chân mày chạy lên sát chổ chân tóc gọi là Thiên Thương thượng phủ (h. 2/1)

Cặp xương Lưỡng Quyền thuộc khu vực Trung Đình gọi là Quyền cốt Trung phủ (h. 2/2)

Hai phần 2 bên mang Tai tiếp giáp với Lưỡng Quyền và xuống phía dưới gọi Tai cốt hạ phủ, vì khu vực này thuộc về Hạ Đình (h. 2/3)

Phủ có nghĩa là cái kho chứa đồ vật của cải, nên dưới nhãn quan tướng học, Lục Phủ cho ta biết một cách khái quát về tài vận. Sáu bộ phận đó có xương và thịt cân xứng, đầy đặn thì cũng giống như kho chứa tài sản, chỉ sự sung túc. 

Sách Nhân Luân đại thống phú của Trương Hành Giản đã nói ''Nhất Phủ tựu, thập tải phong phú'' có nghĩa là một Phủ đầy đặn thì giàu có no năm. Thực ra đây chỉ là một câu nói có ý nghĩa tượng trưng chứ không nhất thiết là no năm. Nó chỉ có nghĩa là một Phủ mà đầy đặn thì kẻ đó có khả năng phú túc.

Trong phép quan sát Lục Phủ, phải lấy xương làm điểm chủ yếu: xương nẩy nở đúng cách, mạnh mẽ cân xứng là tốt, khuyết hãm là xấu. 

Kẻ có Lục Phủ hoàn mỹ là kẻ mà khuôn mặt (bên phải lẩn bên trái) tạo thành một thế nhất quán tức là xương thị chắc chắn vừa phải, thịt không lấn lướt xương, xương không quá nhiều đối với thịt, khi Sắc sáng sủa tươi mát Lục Phủ cũng liên quan đến thời gian thụ hưởng. 

Thiên Thương Thượng Phủ sung mãn tươi tắn tượng trưng cho kẻ được hưởng của của cải tiền nhân lưu lại hoặc được cha mẹ anh chị em chu cấp. 

Trung Phủ hoàn mỹ, điển hình cho mạng vận cá nhân lúc trung niên tự mình sáng tạo thành sự nghiệp gia sản. 

Hạ Phủ sung mãn tươi tắn là điềm báo trước, lúc già, sinh kế và gia tài phát triển khả quan. 

Thượng Phủ ứng với thiếu niên, Trung Phủ ứng với trung niên và Hạ Phủ ứng với vãn niên. 

Nếu Lục Phủ khuyết hãm, hắc ám thì phải giải đoán ngược lại. (Đây là nói trong trường hợp người không gầy không mập, khỏe mạnh tự nhiên. Nếu quá gầy thì lẽ tất nhiên xương phải nhiều hơn thịt. nếu quá mập thì thịt nhiều hơn xương. 

Trường hợp cần phải lưu ý là người mập mà mặt ốm, Lục Phủ trơ xương; người ốm mà mập, Lục Phủ trì trệ. Lúc đó phải coi là Lục Phủ liệt cách).

V. NGŨ QUAN
1. Vị trí của Ngũ Quan

Ngũ Quan là 5 bộ phận trọng yếu trên khuôn mặt :
- Hai lông Mày gọi là Bảo thọ quan
- Cặp Mắt gọi là Giám sát quan
- Hai Tai gọi là Thám thính quan
- Mũi là Thẩm biện quan
- Miệng là Xuất nạp quan.

Cổ tướng kinh bàn về Ngũ Quan có câu "Trời lấy ngũ tinh để biểu lộ hình thể; Đất lấy 5 núi để định khu vực; người thì dựa vào Ngũ Quan để định quý, tiện, bần, phú". Sách Nhân Luân đại thống phú bàn về Ngũ Quan có câu "Nhất quan thánh, thập niên quý hiến". Như vậy, đủ rõ trong tướng học, Ngũ Quan đóng một vai trò hết sức quan trọng. Cũng bởi lý do trên mà sách này dành 5 chương để chuyên khảo chi tiết từng Quan một.

2. Điều kiện tối hảo của Ngũ Quan:

Đối với phép quan sát Ngũ Quan, tướng học có câu sau đây đủ để tóm tắt những điều kiện tổng quát của kẻ có Ngũ Quan toàn hảo: "Ngũ Quan cần phải Minh lượng và đoan chính" nói về hìng dạng;
Từ ngữ Minh lượng bao gồm :
- Thanh khiết
- Sáng Sủa
- Có thanh Khí
- Trang nhã
Còn Đoan chính có nghĩa là :
- Ngay thẳng
- Cân xứng và lớn nhỏ thích nghi
- Hình thể rõ ràng (chỗ nào cần đầy thì đầy, mỏng thì phải mỏng; đen trằng phân biệt... tùy theo Quan đó là Mắt, Tai, Mũi, Miệng hay lông Mày).

Đó là hai tổng-tắc căn bản trong phương pháp quan sát Ngũ Quan.