Ý nghĩa Nhân tướng học qua Mũi

Tuy trong các sách tướng người ta thường nói “xem giàu nghèo bằng cách quan sát Mũi” vì Mũi là tài lộc tinh nhưng đó chỉ là cách nói khái lược, giản tiện. 

Thực ra Mũi cũng như các bộ phận quan trọng khác của khuôn mặt, ngoài đặc điểm chủ yếu là chủ về tài lộc còn giúp ta biết được nhiều khía cạnh khác nữa.

a) Tương quan giữa Mũi và Cá tính:

1- Tham lam, keo kiệt:

Hai cánh mũi đầy đặn cân xứng, lỗ Mũi nhỏ (được coi là nhỏ khi không để lọt vào đầu ngón tay út) là biểu hiện của tính tham lam; Gián Đài, Đình Úy càng nảy nở, Mũi càng đầy thì tính “háo tụ nhi bất ưng xả” càng phát triển; loại tính người như vậy bản tính tham lam, keo kiệt chỉ biết ăn của người.

Ngược lại Gián Đài và Đình Úy không rõ ràng, lỗ Mũi rộng là dấu hiệu của người hào phóng, coi rẻ tiên bạc vật chất. Mũi càng mỏng , càng dài thì cá tính trên càng rõ rệt.



2. Thông minh lanh lợi:

- Mũi có Sơn Căn cao, Sống mũi thẳng và không lệch
- Từ Sơn Căn lên đến Ấn Đường phía đầu Lông Mày co hai vệt như hình chữ bát hoặc ba vệt như hình chữ xuyên là dấu hiệu não bộ hoạt động tích cực, con người có khả năng tập trung cao độ.
- Lỗ mũi rộng có thể dùng đầu ngón tay thọc dễ dàng, lỗ mũi tự nhiên có sợi lông mọc ra ngoài là các dấu hiệu thông tuệ.
- Hai Cánh Mũi có thế chắc chắn cân xứng, và chân tay lanh lẹ là kẻ có tài mô phỏng khéo léo về kỹ thuật.

3. Lương thiện chính trực:

Dấu hiệu tổng quát là Mũi có mức độ dài, cao và rộng ở mức từ trung bình trở lên, Chuần Đầu tròn gãy Sống Mũi ngay ngắn, thẳng thắn, hai Cánh Mũi cân xứng và không lộ khổng. 

Mũi lớn thường là cát tướng nhưng quá lớn thì lại là “phản thường” biểu thị tính dục cuồng nhiệt, tâm địa cố chấp bướng bỉnh.

- Mũi dài lỗ mũi rộng, hình thế chắc chắn mạnh mẽ
- Sống Mũi và Cánh Mũi cứng rắn: ý chí kiên cường
-      Sơn Căn cao nhưng thiếu bề ngang là kẻ có khả năng trí tuệ khá, tâm địa chính trực nhưng không khoan dung hay vạch lá tìm sâu nên dễ gây thù oán. 

Kẻ Mũi ngắn mà nhỏ thường thường thiếu khí phách và kiến thức nông cạn. Tuy vậy nếu chỉ nhỏ ngắn, trông có vẻ mảnh khảnh, mà cân xứng ngay thẳng, thì tâm địa vẫn là thiện lương vô hại.

4. Gian trá độc hiểm:

Dấu hiệu tổng quát là hình dáng Mũi bất thường, đối nghịch lại với Mũi ngay thẳng.

- Mũi nhỏ mà ngắn, hình dạng ẻo lả là kẻ tâm địa nhu nhược, không dám làm điều gi nếu thấy hại cho mình, nếu lộ khổng nữa thì tâm địa bất chính
- Mũi mà Thân Mũi không thẳng (lệch: hoặc cong lên hoặc lõm xuống) lỗ mũi hướng lên là kẻ nội tâm nham hiểm, không trọng đạo nghĩa, bất kể danh dự miễn sao có lợi cho họ là được
- Thân Mũi nhỏ, sống mũi mảnh và lộ xương là trong tựa như sống kiếm là kẻ cố chấp thiếu tự trọng và nhẫn nại.
- Mũi hình cong lên như móc câu hoặc gập xuống như mỏ chim ưng mà Chuần Đầu nhỏ, nhọn là kẻ tính tình trí trá, gian hiểm, độc hiểm. Theo cổ tướng học đó là Mũi đại ác không nên giao du.

b) Tương quan giữa Mũi và Phú quý, bần tiện:

Phàm Mũi ngay thẳng kích thước trên trung bình trở lên và cân xứng có sắc nhuận trạch là loại Mũi thượng cách, không giàu thì cũng đủ ăn mặc.

- Bề ngoài Mũi có sống tròn, thẳng như ống trúc hoặc chóp Mũi rộng như túi mật treo là loại tướng quý và phú, từ trung vận trở về sau sẽ thành đạt lớn.
- Mũi lớn, đầy đặn Cánh Mũi rõ và dầy là tướng của kẻ giàu có
- Mũi cao trông chắc chắn là tướng quý hiển.
- Chuần Đầu tròn đầy, lỗ Mũi rộng cân xứng, sống mũi không gầy, là phúc tướng chủ về quý.
- Sơn Căn cao, nở gần ngang với Ấn Đường là tướng quý hiển
- Cánh Mũi cao tròn và cân xứng so với Thân Mũi thích nghi về hình thể là tướng quý; nếu hơi quá lớn thì là tướng phú kể từ trung vận.
- Mũi có nhiều lằn ngang dọc là tướng phá tài, rốt cuộc vãn vận sẽ khổ về tiền bạc
- Mũi mà cả thân mũi dù ngay thẳng nhưng quá gầy là tướng bần tiện
- Chuần Đầu nhọn, mũi trên nhỏ mà dưới to mà mỏng là tướng bần hàn.
- Lỗ Mũi quá lớn và lộ dù toàn thể các bộ vị khác có tốt thì cũng không bao giờ giàu có.
- Lỗ mũi quá nhỏ, cánh mũi quá dày (dù hình thể đẹp) thì cũng không giữ được của cải. Nếu mũi nhỏ mà có tướng trên thì suốt đời làm vẫn không đủ ăn.

c) Tương quan giữa Mũi và gia vận:

1. Vận tốt:

Phàm Mũi đầy đặn (trường hợp người bình thường, không qúa gầy) Sống Mũi cao mà hình dáng tổng quát của Mũi trong tỏa ra vẻ thanh tú là tướng được hưởng gia vận phồn vinh thư thái về vãn vận.

- Kẻ có Mũi ngay ngắn và đầy đặn, khí sắc Mũi tươi nhuận là kẻ có tình cốt nhục thắm thiết. Các loại Mũi Tiêm Đồng (ống trúc) hoặc Huyền Đảm (túi mật) thuộc về loại này.
- Chuần Đầu tròn, Sống mũi thẳng và gần như thông suốt tới Ấn Đường không gãy, không mập là tướng kẻ lấy được vợ hiền.
- Sống mũi ngay thẳng phần cuối Mũi nở rộng và đẹp, dáng vẻ thoải mái là tướng kẻ có lắm con và sau này được nhờ vả con cái.

2. Vận xấu:

Mũi có hình dạng thiếu tiêu chuẩn, lệch hãm hoặc bất thường là loại Mũi tượng trưng cho gia vận không được tốt lành

- Mũi bất kể tốt xâu mà có những lằn dọc rõ rệt là tướng của kẻ không người nối dõi, phải nuôi con người khác làm thừa kế. (hoặc số làm vợ người khác rồi nuôi con chồng làm con mình)
- Thân mũi gấp khúc nhiều đoạn là tướng cô độc, phá tài, tán gia sản. Ngoài ra loại mũi này còn tượng trưng cho cốt nhục tương tranh nếu phối hợp với chỉ dấu khác của Lông Mày và Mắt cùng một ý nghĩa trên)
- Sông mũi hoặc hai cánh mũi lệch là dấu hiệu của cha mẹ bất toàn. Mũi lệch về phía trái thì cha mất, lệch về phái phải thì mẹ mất.
- Mũi lớn mà trơ xương là dấu hiệu cốt nhục vô tình, trọn đời khó tránh được khốn khổ.
- Mặt nhỏ mà Mũi lớn không phối hợp tương xứng với các bộ vị khác (đặc biệt là Ngũ Nhạc và Mày Mắt) là tướng bất thông, dù sinh ở gia đình phú túc thì vãn vận cũng khó tránh được nghèo khổ. Đồng thời đấy cũng là dấu hiệu phu phụ bất hòa.
- Nhìn chính diện mà thấy sống mũi đặc biệt trũng hẳn xuống so với Lưỡng Quyền thì đấy là dấu hiệu gia vận không được tốt, chồng hoặc vợ sớm phải ly biệt.
- Mũi có nhiều nếp xếp nằm ngang thì đó là dấu hiệu chia ly chồng vợ vì tranh chấp lứa đôi (vợ hoặc chồng có tính trăng hoa)
- Trên sống mũi có nốt ruồi là cảnh vợ chồng con cái được thịnh vướng nhưng chỉ một thời gian là hết
- Trán thấp, Lưỡng Quyền trũng, Cằm lẹm mà chỉ có Mũi đặc biệt tốt thì có thể hưởng vinh hoa phú túc một thời gian ngắn rồi từ trung niên trở đi tàn lụi dần, đến già tay trăng cô độc.
- Bên trái của Mũi mà lõm, trong khi bên phải bình thường là dấu hiệu vô duyên với cha (và ngược lại).
- Sống mũi có gằn máu nổi lên rõ rệt là dấu hiệu từ trung vận về sau luôn luôn bị vùi dập, và sống trong cảnh cô độc
- Đặc biệt là đàn bà mà Sơn Căn hay Ấn Đường bị khuyết hãm thì trong khoảng trung niên sẽ có đại biến động khiến thân thể tổn thương, tiền tài hao phá.

d) Tương quan giữa Mũi và thọ yểu:

1. Dấu hiệu trường thọ:

Phàm Mũi cao, vững, ngay ngắn, sắc thái tươi nhuận thanh thản là dấu hiệu trường thọ.

- Mũi dài mà không cong, không lệch
- Sụn Mũi có khí thế cứng cáp
- Sống Mũi cao tròn, xương thịt tương xứng
- Hai cánh mũi nở nang và cân xứng, dáng vẻ mạnh mẽ
- Sơn Căn cao và nở nang thích nghi với toàn bộ của Mũi
- Sống Mũi đầy đặn dáng vẻ tươi tắn.

2. Dấu hiệu non yểu:

- Thịt mũi cơ hồ không có mà lại thấy sắc đen ám
- Thân Mũi có nhiều nốt ruồi đen là dấu hiệu đa bệnh, nội tạng suy nhược (càng là nốt ruồi sống càng dễ đoán)
- Thân Mũi trơ xương, hình dáng mũi cong lên như hình lưỡi câu là dấu hiệu chết bất ngờ ở quê người
- Thân Mũi không ngay thẳng hoặc gãy gập lại
- Hai bên cánh mũi nổi rõ những tia màu hồng (nếu mũi trắng nhạt) hoặc đỏ tía (nếu chỏm mũi màu hồng) là dấu hiệu dễ chết vì tim mạch
- Thân Mũi có chấm đen như dấu móng chim sẻ để lại trên đất ướt đó là dấu hiệu nội tạng có bệnh ngấm ngầm sẽ chết khi các bệnh đó phát ra. 
-       Sơn Căn thấp, lệch hoặc quá hẹp.